Thứ 4 ngày 06 tháng 03 năm 2019Lượt xem: 18102
Bệnh nhân nhiễm HIV thứ hai trên thế giới được chữa khỏi.
Suốt 18 tháng qua, bệnh nhân này đã không còn cần uống thuốc ARV.
Suốt 12 năm kể từ khi bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên và duy nhất được chữa khỏi bằng liệu pháp tế bào gốc, các bác sĩ và nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đã thất bại trong việc nhân rộng kết quả ấy. Điều này để lại nghi ngờ cho rất nhiều người, rằng đó chỉ là một trường hợp "ăn may".
Nhưng hôm nay, điều ngược lại đã được chứng minh. Thế giới vừa chứng kiến một bệnh nhân thứ hai nhiễm HIV được chữa khỏi hoàn toàn. Đó là một bệnh nhân người Anh, được giữ kín danh tính trong báo cáo vừa đăng trên tạp chí Nature. Sau hơn một thập kỷ - và với hơn nửa nghìn tỷ đô la Mỹ chi cho hoạt động nghiên cứu HIV/AIDS trong thế kỷ này - cuối cùng chúng ta cũng có được niềm tin rằng căn bệnh sẽ được chữa khỏi.
Đã 12 năm trôi qua kể từ khi 'bệnh nhân Berlin' nổi tiếng làm nên lịch sử khi trở thành người đầu tiên được chữa khỏi HIV. Chính xác thì anh ta đã duy trì được sự thuyên giảm sau khi nhiễm HIV-1, chủng virus nguy hiểm và phổ biến nhất gây ra bệnh AIDS, mà không cần dùng thuốc kháng virus (ARV). "Bệnh nhân Berlin" thực ra là một người Mỹ (tên thật là Timothy Ray Brown) được chẩn đoán nhiễm HIV khi sống ở Đức. Năm 2007, anh đã được phẫu thuật ghép tủy xương liên quan đến việc cấy vào cơ thể các tế bào gốc tạo máu, ban đầu chỉ với mục đích điều trị bệnh bạch cầu. May mắn thay, việc điều trị bằng tế bào gốc lấy từ một người hiến tặng có đột biến gen CCR5, là đồng thụ thể HIV-1 đã bất ngờ làm tuyên giảm HIV trong cơ thể Brown. Kể từ đó đến nay đã hơn 12 năm, bệnh nhân này không còn phải dùng thuốc ARV nữa. Vì lý do này, anh thường được mô tả là bệnh nhân đầu tiên được "chữa khỏi" HIV, mặc dù về mặt thuật ngữ thì không chính xác lắm, sự thuyên giảm và chữa khỏi không hoàn toàn giống nhau (đôi khi HIV sẽ trở lại sau thuyên giảm không hoàn thành, khi tải lượng virus trong người bệnh nhân tăng đến mức phát hiện được).
Cũng phải chờ đến 12 năm, các bác sĩ và nhà khoa học mới được đón nhận tin vui thứ hai. Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature ngày hôm nay xác nhận bệnh nhân nhiễm HIV thứ hai cũng nhận được điều trị tế bào gốc và thuyên giảm kéo dài.
"Bằng cách đạt được sự thuyên giảm ở một bệnh nhân thứ hai, sử dụng một cách tiếp cận tương tự, chúng tôi đã chứng minh rằng bệnh nhân ở Berlin không phải là một sự bất thường, và đó [cấy ghép tế bào gốc] thực sự là phương pháp điều trị giúp loại bỏ HIV ở cả hai người này", nhà virus học Ravindra Gupta đến từ Đại học College London nói.
Trong trường hợp bệnh nhân mới, được mệnh danh là 'Bệnh nhân London", người đàn ông không rõ danh tính này cũng đã được điều trị bằng tế bào gốc từ một người hiến tặng có đột biến gen CCR5, nhưng lần này là trong khi đang điều trị ung thư hạch Hodgkin. Mười sáu tháng sau khi làm thủ thuật (không bao gồm xạ trị giống như bệnh nhân ở Berlin), bệnh nhân London đã ngừng sử dụng thuốc ARV (còn gọi là liệu pháp ART). Và suốt 18 tháng sau đó, ông ấy đã giữ mình trong tình trạng thuyên giảm hoàn toàn.
Một cách thận trọng, các nhà khoa học cho rằng vẫn còn quá sớm để nói rằng "bệnh nhân London" đã được chữa khỏi hoàn toàn, nhưng dù sao đó cũng là một bước tiến đầy hứa hẹn, sẽ dạy chúng ta nhiều hơn về cách thức ngăn chặn HIV. "Đã một thời gian dài "bệnh nhân London" không cần điều trị ART, vì vậy đây là phát hiện rất thú vị", chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Sharon Lewin đến từ Đại học Melbourne giải thích.
"Hơn 10 năm sau báo cáo thành công của bệnh nhân Berlin, trường hợp mới này có vai trò xác nhận rằng, cấy ghép tủy xương từ người hiến tặng âm tính CCR5 có thể loại bỏ virus còn sót lại và ngăn chặn mọi dấu vết phục hồi của virus". Các bác sĩ nói rằng họ sẽ cần tiếp tục theo dõi bệnh nhân ở London để xem tình trạng của anh ta tiến triển như thế nào. Có lẽ các bệnh nhân nhiễm HIV sẽ phải tiếp tục chờ đợi trước khi các nhà khoa học nhân rộng được phương pháp điều trị. Một khó khăn là cấy ghép tế bào gốc không có tác dụng với tất cả mọi người, chưa kể các tế bào gốc được hiến tặng sử dụng trong trường hợp này là rất hiếm, người cho tuỷ cần có một đột biến CCR5 rất cụ thể.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận một tiềm năng cho hướng nghiên cứu trong tương lai, cách thức hoạt động của thụ thể HIV này có thể đưa chúng ta đến gần hơn với phương pháp chữa trị hoàn toàn HIV/AIDS, căn bệnh hiện đang lây nhiễm cho khoảng 37 triệu người trên toàn thế giới.
"Trường hợp thứ hai được báo cáo này đã củng cố thông điệp rằng con người có thể chữa khỏi HIV", nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và miễn dịch Anthony Kelleher từ Đại học New South Wales ở Úc cho biết. "Bệnh nhân London" đã chứng minh cho chúng ta thấy sự hiệu quả và tiềm năng của các phương pháp điều trị tế bào gốc và liệu pháp gen nhắm đến HIV nói riêng, cũng như cả ung thư và toàn bộ các căn bệnh khác nói nói chung. Đó sẽ là hi vọng mới cho tương lai của y học.
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.