LÃO KHOA

Chủ nhật ngày 14 tháng 07 năm 2024Lượt xem: 6369

Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%.

Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỉ, có nước hàng thế kỉ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già nhưng ở Việt Nam chỉ khoảng 26 năm. “Nếu như năm 2009, cứ khoảng 3 trẻ em dưới 15 tuổi mới có 1 người từ 60 tuổi trở lên thì đến năm 2019 cứ khoảng 2 trẻ em dưới 15 tuổi đã có 1 người 60 tuổi trở lên. Theo đó, khi mức sinh giảm càng thúc đẩy nhanh chóng quá trình già hóa dân số ở nước ta”, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Lê Thanh Dũng phân tích. Ông Dũng khẳng định, nếu mức sinh tiếp tục giảm thì tương lai lực lượng trong độ tuổi lao động sẽ giảm, trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh dẫn đến tỉ trọng dân số già sẽ chiếm tỉ lệ rất cao trong tổng dân số và Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số già.

Theo ThS. Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Cục Dân số (Bộ Y tế), cùng với mức sinh đang giảm thì cơ cấu dân số trẻ đang bắt đầu chuyển sang già hóa. Như vậy, Việt Nam sẽ phải đối diện với hai vấn đề tác động toàn diện đến phát triển kinh tế - xã hội, đó là mức sinh thấp và dân số già.

Các chuyên gia về dân số đều khẳng định, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Cần tìm giải pháp để cải thiện tình trạng này.

Hiện nay, mức sinh giữa các vùng, miền đang có sự chênh lệch đáng kể. 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; thậm chí một số địa phương có mức sinh rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung.

“Các tỉnh có mức sinh thấp chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước, sẽ tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững đất nước. Mức sinh quá thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy, thể hiện ở những điểm lớn như: thiếu hụt nhóm dân số trong độ tuổi lao động; gia tăng tốc độ già hóa, số lượng và tỉ trọng người cao tuổi; làm suy giảm quy mô dân số và tăng trưởng âm về dân số. Những yếu tố này đều tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh”, ông Dũng phân tích.

Thống kê cho thấy nhóm dân số trong độ tuổi từ 15 - 59 tuổi chiếm khoảng 63,8% năm 2019 giảm xuống còn 62,2% năm 2023. Việt Nam hiện ở trong thời kì cơ cấu “dân số vàng” nhưng cũng đã bước vào quá trình già hóa dân số, dự báo sẽ chuyển sang giai đoạn “dân số già” vào năm 2038. Như vậy, Việt Nam chỉ có khoảng 14 năm để tranh thủ cơ hội của cơ cấu “dân số vàng” và cần có những bước chuẩn bị thích ứng trong tương lai.

Theo tính toán của ngành Y tế, dân số Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển từ “mức sinh thay thế” sang xu hướng “mức sinh thấp”, từ mô hình “sinh sớm” sang mô hình “sinh muộn”, từ “mức chết cao” sang “mức chết thấp”, từ cơ cấu “dân số trẻ” sang giai đoạn “già hoá dân số” và chuyển sang “dân số già”. Xu hướng mức sinh giảm, ngoài tác động về quy mô dân số còn dẫn đến tỉ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm, tỉ trọng người già tăng lên.

 ktk.vn st Tiền Phong