KIỂM SOÁT ĐAU

Thứ 5 ngày 02 tháng 06 năm 2022Lượt xem: 10720

Đau chi ma ... xuất hiện sau phẫu thuật cắt cụt chi thể.

 

Đau chi ma xuất hiện sau phẫu thuật cắt cụt chi thể (phần cánh – cẳng tay, đùi – cẳng chân,…). Cắt cụt chi thể là một phẫu thuật lớn, do nhiều nguyên nhân gây ra tổn thương không thể hồi phục: chấn thương dập nát, tắc mạch hoại tử,… Khái niệm đau chi ma được mô tả lần đầu tiên bởi bác sĩ phẫu thuật Ambross Paré – người đã phẫu thuật và ghi nhận những phàn nàn của thương binh về đau mỏm cụt bị cắt.

Trước đây, đau chi ma thường được coi là hiện tượng mang tính tâm lý, xuất phát từ những căng thẳng, lo lắng, buồn bực thái quá gây ra. Bằng khoa học hiện đại, nhiều nghiên cứu cho thấy đau xuất phát từ những thay đổi về mặt chức năng trong thần kinh trung ương, vì vậy, đau chi ma – đau ảo là một bệnh và cần được điều trị. Điều trị đau trước, trong và sau phẫu thuật là một khâu quan trọng của ERAS – chương trình hồi phục sớm sau phẫu thuật, đặc biệt với người bệnh có chỉ định cắt cụt do tính chất đau trước mổ và những hậu quả kéo dài của đau chi ma. Công tác chống đau cấp tính có vai trò quan trọng của người làm công tác gây mê hồi sức.

1. Nguyên nhân

- Có quan điểm cho rằng: đau là một phần của phản ứng với các tín hiệu tổng hợp từ não. Sau khi đoạn chi thể bị mất, các khu vực của tủy sống và não mất tín hiệu dẫn truyền đầu vào từ phần chi thể bị thiếu, để điều chỉnh sự “tách rời” này, kết quả là kích hoạt tín hiệu cơ bản nhất của cơ thể, đó là cảm giác bị đau.

- Các nghiên cứu cũng chỉ ra: não có thể tái cấu trúc một phần mạch dẫn truyền cảm giác của bộ phận đó sang một phần khác của cơ thể. Một số yếu tố khác được cho là góp phần vào cơn đau chi ma: đầu dây thần kinh bị tổn thương (đau thần kinh), mô sẹo tại vị trí đoạn chi và cảm giác đau vật lý còn lưu giữ trước khi chi bị cắt cụt.

2. Biểu hiện của đau chi ma.

- Khởi phát ngay sau khi bị cắt cụt hoặc sau vài tháng mởi khởi phát

- Cơn đau có lúc đau liên tục hoặc có lúc đau từng hồi.

- Có thể có biểu hiện khác nhau như: cảm giác bị bắn, bị đâm, bị chuột rút, bị đè nát, xoắn vặn hoặc bỏng rát

- Người bệnh cảm giác phần chi thể bị cụt vẫn còn tồn tại, nhưng ở vị trí bất thường, đau thường xuất hiện ở phần xa của chi: bàn ngón chân, bàn ngón tay,…

- Đau chi ma có nguy cơ xuất hiên cao hơn ở những người đã từng bị đau tại chi trước khi bị cắt: chấn thương dập nát, tắc mạch, nhiễm trùng trước khi cắt cụt chi,… Các nghiên cứu cho rằng: não có khả năng lưu giữ một ký ức đặc biệt về cơn đau nếu như giai đoạn chi bị tổn thương chưa được xử trí và không được giảm đau tốt.

3. Dự phòng đau chi ma.

- Nguyên tắc là áp dụng các biện pháp kiểm soát đau từ giai đoạn sớm nhất, hiệu quả nhất ngay từ giai đoạn có tổn thương sẽ hạn chế nguy cơ xuất hiện đau mạn tính dai dẳng.

- Kiểm soát đau cấp tính bằng các phương pháp gây tê thần kinh chi phối cho vùng chi thể đang tổn thương: gây tê đám rối thần kinh cánh tay, gây tê chọn lọc thần kinh đùi, thần kinh hông to,… nhằm ngăn chặn các tín hiệu đau trước khi nó được truyền về não bộ, giúp ngăn chặn việc hình thành “ký ức đau chi ma”.

- Bên cạnh đó, các kỹ thuật gây tê thần kinh giảm đau còn có ưu điểm là có thể làm lại nhiều lần trong liệu trình điều trị đau đa mô thức ở giai đoạn cấp tính xung quanh cuộc mổ. Ngày nay, dưới sự hỗ trợ của các phương tiện như máy kích thích thần kinh, máy siêu âm,… kỹ thuật gây tê vùng ngày càng được hoàn thiện, đem lại hiệu quả giảm đau tốt, và hạn chế tối đa những tổn thương thần kinh trong quá trình thực hiện kỹ thuật.

4. Điều trị đau chi ma.

- Điều trị đau bằng thuốc: sử dụng các thuốc có tác dụng giảm đau thần kinh: nhóm thuốc giảm đau (Paracetamol, Ibuprofen,…), nhóm thuốc chống trầm cảm (Amitriptyline, Nortriptyline,…), thuốc chống co giật (Gabapentin, Pregabalin,…), thuốc giảm đau gây nghiện (Morphine, Tramadol,…), thuốc đối kháng thụ thể N-methyl D aspartate (NMDA), hay còn biết đến với biệt dược: Ketamine, là một thuốc gây mê phân ly. Tuy nhiên, Ketamine ở liều thấp có tác dụng làm giảm sự nhạy cảm của thần kinh trung ương với các kích thích đau, làm giảm hiện tượng tăng cảm đau, giảm cường độ đau.

- Các liệu pháp khác:

. Liệu pháp gương: Người bệnh sẽ tập luyện các bài tập đặc thù với hộp gương, có thể tạo hình ảnh của đoạn chi mất từ chi lành còn lại. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những bài tập này giúp giảm đau chi ma.

. Châm cứu, kích thích tủy sống (SCS) (một thiết bị nhỏ được cấy gần cột sống tạo ra các xung điện can thiệp vào những “thông điệp” đau đến não bộ).

. Các phương pháp điều trị mới là sử dụng kính thực tế ảo. Chương trình máy tính sẽ dựng hình ảnh của chi bị mất.

5. Lối sống và chăm sóc bệnh nhân bị đau chi ma sau phẫu thuật cắt cụt:

- Liệu pháp phân tâm: thực hiện các hoạt động khác như đọc sách, nghe nhạc, không tập trung vào cơn đau.

- Duy trì hoạt động thể chất: tập thể dục, bơi lội,..

- Sử dụng thuốc giảm đau: có sự phối hợp chặt chẽ với bác sĩ chống đau

- Thư giãn: tắm nước ấm, tập thở hoặc thiền, yoga,…

- Sự sẻ chia từ người xung quanh, đặc biệt là những người thân, giúp người bệnh hồi phục từ tâm lý đến thương tổn bên ngoài sau phẫu thuật cắt cụt.

Việc sử dụng các thuốc giảm đau đòi hỏi người bệnh phải phối hợp chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa Thần kinh, giúp điều chỉnh cách dùng, liều dùng hoặc phối hợp thuốc đầy đủ, bài bản và hệ thống, tránh tình trạng lạm dụng thuốc hoặc phụ thuộc thuốc giảm đau.

ktk@vn tham khảo TS. Tống Xuân Hùng - BV TWQĐ 108


Mời xem thêm >>>

1. Rối loạn giấc ngủ.

2. Phân loại Đau đầu theo "The International Classification of Headache Disorders 3rd edition".

3. Khi nào bạn cần đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa Thần kinh.

4. Chảy máu tiểu não ... nguyên nhân do Huyết khối tĩnh mạch não.

5. Khi nghi ngờ bị bệnh Tai biến mạch máu não, bạn cần làm gì?

6. Đau đầu.