Góc nhìn

Thứ 3 ngày 25 tháng 12 năm 2018Lượt xem: 8010

Nụ hôn vĩnh biệt của người vợ trước khi hiến tạng chồng.

Cầm tay chồng thật lâu trước lúc các bác sĩ đưa anh sang phòng mổ lấy tạng, chị nghẹn ngào rồi cúi người hôn lên môi chồng.

Người đàn ông nằm trên giường bệnh, trên đầu là máy sinh hiệu đang đo nhịp tim. Đường tim vẫn đang chạy hình sin. Thực chất anh đã chết não. Và người vợ cùng gia đình đã quyết định hiến tạng của anh để cứu nhiều bệnh nhân khác. 

12/12 trở thành ngày không thể nào quên của chị cùng gia đình. Chị, không muốn nêu tên, tiễn biệt chồng để các bác sĩ đưa anh sang phòng mổ lấy tạng, tại bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Sau cái hôn vĩnh biệt của chị, anh được rút ống thở. Xung quanh hai vợ chồng, kíp y bác sĩ đứng cúi đầu một phút mặc niệm. Căn phòng tĩnh lặng, chỉ còn tiếng bíp bíp của máy móc, rồi sau đó hình sin duỗi dài thành đường thẳng. 

Nụ hôn cuối cùng của người vợ từ biệt chồng trước khi thực hiện nguyện vọng hiến tạng cứu người của anh.

Ảnh do Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cung cấp

Anh trở thành người đầu tiên ở Việt Nam hiến một lúc đến 6 tạng. 500 y bác sĩ tham gia cùng lúc tiến hành 6 ca mổ trong đó có một ca mổ lấy tạng từ anh và 5 ca ghép tạng vào cơ thể bệnh nhân khác. Trái tim, gan, hai phổi, hai thận của anh được ghép cho 5 người khác. Trong đó một thận được vận chuyển vào TP HCM ghép cho một em bé ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Hai phổi của anh đang nằm trong lồng ngực một thiếu niên 17 tuổi, cũng là ca đầu tiên Bệnh viện Việt Đức ghép phổi từ người cho chết não. Để có được các ca ghép tạng thành công này, người vợ đã phải trải qua những lúc tự đấu tranh mới đi đến quyết định hiến tạng của chồng. Khi còn sống, anh luôn mong muốn được hiến tạng sau khi chết nhưng chưa đăng ký để có thẻ hiến tạng. Vợ luôn phản đối ý nguyện này của chồng.

Đến khi anh bị tai biến mạch máu não, mổ ở Bệnh viện Bạch Mai và hôn mê sâu, những ngày chăm anh trên giường bệnh giúp chị đồng cảm hơn với các bệnh nhân. Cuối cùng chị thay đổi ý định. Thông qua Hội chữ thập đỏ Ninh Bình, chị bày tỏ nguyện vọng hiến tạng của chồng và gọi điện đến Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia nhờ các bác sĩ hoàn thành tâm nguyện của anh.

Buổi họp báo ở Bệnh viện Việt Đức sáng 24/12 công bố 5 ca ghép tạng thành công từ tạng hiến của anh, không có mặt vợ người đã khuất. Tuy nhiên nghĩa cử của chị cũng như cả gia đình luôn được các bác sĩ lẫn bệnh nhân, thân nhân người ghép tạng nhắc đến tri ân. Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình, ghi nhận: "Bệnh nhân hiến tạng tình nguyện cho đi một phần cơ thể mình khi qua đời là điều nhân ái".

Từ TP HCM, em bé được ghép thận của anh đã có thể tự đi lại, nói cười, ăn uống trong khu vực cách ly ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Mẹ của bé chia sẻ niềm tiếc nuối chưa được biết tên người đã hiến thận cho con mình và bày tỏ: "Anh ấy là người anh của gia đình tôi, gia đình anh ấy là gia đình thứ hai của con trai tôi".

vnexpress